Thi THPT 2018: Cách phân bố thời gian hợp lý khi làm bài thi môn Tiếng Anh
Thời gian làm bài thi Tiếng Anh THPT quốc gia chỉ có 60 phút với 50 câu hỏi trắc nghiệm, các thí sinh cần lưu ý một số điểm sau để phân bố thời gian hợp lý.
Thời gian làm bài thi Tiếng Anh THPT quốc gia chỉ có 60 phút với 50 câu hỏi trắc nghiệm, các thí sinh cần chú ý một số điểm sau để phân bố thời gian hợp lý. Cô giáo Trang Anh - Giáo viên Tiếng Anh đến từ Hệ thống giáo dục Topica đã đưa ra một số lưu ý với các thí sinh.
Đừng quên khâu đầu tiên là kiểm tra đề có bị lỗi không
Sau một quá trình ôn luyện miệt mài, các bạn học sinh lớp 12 chính thức bước vào một kỳ thi quan trọng, cam go và đầy thách thức. Bên cạnh hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, các em còn phải thi thêm môn Ngoại ngữ (đa phần là Tiếng Anh).
Trong số 50 câu trắc nghiệm thì có đến 2 bài đọc hiểu, mỗi bài đọc hiểu gồm có khoảng từ 3 - 4 đoạn văn ngắn theo các chủ đề trong các đơn vị bài học của chương trình SGK. Hai bài đọc này sẽ chiếm 30% điểm của toàn bài.
Ngoài ra, còn có 35 câu hỏi trắc nghiệm khác (ngữ âm- chọn đáp án - đồng nghĩa – trái nghĩa - kết hợp câu - viết lại câu - đục lỗ - ngôn ngữ giao tiếp). Vậy làm thế nào để phân bố thời gian hợp lí cho toàn bài cũng như từng dạng câu hỏi?
Đầu tiên, khi các bạn nhận đề từ giám thị, việc đầu tiên của bạn phải làm là kiểm tra đề xem có bị mất chữ, bị rách hay là thiếu trang không. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít khi xảy ra. Sau đó, các bạn phải nhớ tô đầy đủ số báo danh và mã đề vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Tiếp đó, các em hãy dành khoảng hai phút đọc lướt toàn bộ những dạng câu hỏi có trong đề.
Thứ hai, các bạn hãy bắt đầu làm với những dạng câu hỏi nhận biết và thông hiểu trước. Thông thường, những dạng câu hỏi dễ này chỉ nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản của các bạn. Vì vậy, các bạn hãy cố gắng làm những câu hỏi này trong khoảng từ 30 - 45 giây/câu (kể cả tô). Những câu hỏi dạng này bao gồm: Trọng âm, phát âm, chọn đáp án đúng, tình huống giao tiếp.
Tiếp sau, các bạn hãy thời gian nhiều hơn (khoảng từ 45 giây đến 1 phút) cho các dạng bài sửa lỗi sai - đục lỗ - đồng nghĩa - trái nghĩa - viết lại câu - kết hợp câu.
Với bài tập sửa lỗi sai có mục đích kiểm tra các bạn kiến thức về từ vựng, ngữ pháp và cấu trúc. Nguyên tắc làm dạng bài này là xét các phần được gạch chân để đoán ý đồ của đề. Nếu vẫn không xác định được phương án sai thì các bạn hãy dùng phương pháp loại trừ để làm. Lưu ý dạng bài này có thể xảy ra tình trạng thứ tự phần gạch chân với thứ tự của đáp án bị đảo chỗ cho nhau. Vì vậy, các bạn phải thật sự cẩn thận để tránh làm sai một cách đáng tiếc.
Với dạng bài đồng nghĩa – trái nghĩa đòi hỏi các bạn phải có vốn từ và có khả năng dịch. Ở dạng bài này có thể xảy ra việc bạn không biết nghĩa của từ đó hoặc là phần in đậm là một cụm từ cố định hay thành ngữ mà nó hoàn toàn xa lạ với bạn. Bạn hãy cố gắng hiểu nó qua ngữ cảnh của câu. Lưu ý phải đọc kĩ đầu bài để không nhầm dạng bài đồng nghĩa và trái nghĩa.
Với dạng bài đục lỗ, nguyên tắc bao giờ các bạn cũng phải đọc các phương án trả lời trước và tùy từng kiểu câu hỏi để có chiến lược làm khác nhau.
Với dạng bài viết lại câu và kết hợp câu, đa phần chỉ kiểm tra các bạn kiến thức về ngữ pháp (câu điều kiện, đại từ quan hệ, so sánh, liên từ, bị động, câu tường thuật, đảo ngữ, cấu trúc…). Ngoài những phần này ra thì sẽ liên quan tới việc bạn phải dịch câu đề bài và dịch lần lượt nghĩa của từng đáp án đến khi tìm thấy đáp án phù hợp về ngữ nghĩa và ngữ pháp so với câu ban đầu.
Dành thời gian cho bài đọc hiểu
Một điều rất quan trọng, các thí sinh nên dành nhiều thời gian nhất có thể cho bài đọc hiểu vì nó chiếm tới 30% số điểm toàn bài thi. Khi làm bài đọc hiểu, các bạn nên đọc lướt qua bài đọc để biết chủ đề của bài đọc là gì. Với dạng câu hỏi ý tưởng chính (main ideas), câu hỏi suy luận các bạn nên để làm cuối.
Với 2 câu từ vựng trong bài tập đọc hiểu, các bạn nên dùng ngữ cảnh của câu để xét nghĩa (kể cả khi các bạn đã biết rõ nghĩa của từ đó), vì mỗi một từ sẽ có nhiều nghĩa và ở từng ngữ cảnh khác nhau nghĩa có thể khác nhau. Với dạng câu hỏi này đòi hỏi các bạn phải có vốn từ, nên nếu chả may các bạn không biết nghĩa của từ đó thì các bạn nên chọn đáp án mà bạn thích rồi chuyển sang câu khác.
Với những dạng câu hỏi còn lại trong bài đọc các bạn hoàn toàn có thể đọc và gióngng thông tin trong bài là làm được. Vì vậy, hãy tập trung vào những câu hỏi này và cố gắng đừng để mất điểm.
Nói tóm lại, để làm kịp 50 câu trong vòng 60 phút các bạn nên:
+ Làm câu nào chắc câu đó, chọn đáp án và tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm luôn.
+ Bỏ qua câu mà bạn không hề có ý tưởng gì về nó. Tiếng Anh không có khái niệm khó, chỉ là biết và chưa biết nên nếu đã không biết thì có suy nghĩ lâu cũng không tìm ra đáp án được.
+ Rà soát lại một lần cuối xem có câu nào mình bỏ sót không. Nguyên tắc là không được để trống bất cứ một câu nào, kể cả những câu không biết làm.
+ Khoanh lại các đáp án đã chọn vào tờ đề và nhớ cầm theo đề khi ra về.
Hi vọng bài chia sẻ này sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn. Chúc các bạn có một mùa thi THPT quốc gia 2018 thật thành công.
Tin khác
- Nhận diện 3 chiến thuật này trong bài thi Tiếng Anh, sĩ tử sẽ tối đa hóa điểm số của mình một cách dễ dàng
- 5 mẹo học tiếng Anh hiệu quả cho dân công sở
- 14 lý do tại sao bạn cần học tiếng Anh ngay
- ĐỀ VÀ ĐÁP ÁN THPT QUỐC GIA 2017 MÔN TIẾNG ANH CHÍNH THỨC
- Được 18, 19, 20 điểm khối D nên chọn học trường gì, ngành nào tốt? Tư vấn chọn trường Đại học, Cao đẳng năm 2017
0904 630 638